Chủ nhật, 19/05/2024

Chùa Lý Quốc Sư – Trụ sở Hội phật giáo quận Hoàn Kiếm

Chùa Lý Quốc Sư xưa kia gọi là đền, có tên chữ là “Lý Quốc Sư tự” nằm trong vùng đất thôn Chân Cầm, Tự Tháp của tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, thuộc kinh thành Thăng Long xưa. Tên của chùa không những mang ý nghĩa biểu thị khuôn viên giáo lý và kiến trúc tôn giáo, Lý Quốc Sư - vị Quốc Sư thời Lý, mà còn luôn tồn tại, gần gũi, thân thiết đầy kính trọng ngay trong lòng Hà Nội. Ngôi chùa hiện ở tại 50 phố Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một đường phố chính giữa nội thành mang tên Lý Quốc Sư để ghi nhớ về một vị Quốc sư thời Lý - Minh Không Thiền sư.

Văn bia khắc vào tháng 8 niên hiệu Tự Đức thứ 8 (1855) đã ghi lại lịch sử xa xưa của ngôi đền cũ mang tên “Lý Quốc Sư tự” có từ thời Lý. Văn bia ghi: “Đền chợ Tiên ở huyện Thọ Xương thờ Minh Không Quốc sư. Tương truyền: Quốc Sư có công chữa bệnh cho vua triều Lý (tức Lý Thần Tông), bị mắc bệnh “hóa hổ” nên được lập đền thờ. Phía bên phải đền, xưa có tháp Báo Thiên, tương truyền do Quốc Sư dựng lên - Tháp là 1 trong bốn báu vật của Việt Nam (Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, Vạc Phổ Minh). Xét trong quốc sử, tháp này cũng được xây dựng từ thời Lý, đến nay chỉ còn lại rất ít dấu tích”.

Đền thờ Minh Không Thiền sư, theo chính sử ông là Nguyễn Chí Thành, người làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông theo học đạo hơn 40 năm, đắc đạo lấy hiệu là “Minh Không Thiền sư”. Năm 1138 ông chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được vua phong là Quốc sư và được triều đình phong ấp ở làng Tiên Thị, nên dân ở đây lập đền thờ ông. Ông mất vào tháng 8 năm Tân Dậu (1141), thọ 76 tuổi.

Theo văn bia, vào năm Mậu Thân (1932) có vị Thiền sư là Nguyễn Văn Đinh, tự là Quang Huy trụ trì, đã bài trí thêm cả tượng Phật nên đền thờ gọi là chùa từ đấy.

Ngôi chùa đã qua nhiều lần tu sửa, trùng tu lớn vào năm 1954 sau khi thực dân Pháp phá hủy trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến 1946. Quy mô kiến trúc hiện nay của chùa là kết quả của lần trùng tu vào năm 2000. Chùa có bố cục tiền chữ “quốc”, hậu chữ “đinh”, trong khuôn viên khép kín với Tam quan, Phương đình, hai nhà Dải vũ, Tiền tế, Tam bảo, Hậu cung và khu thờ Mẫu.

Qua nhiều năm tháng biến động của lịch sử, chùa Lý Triều Quốc Sư vẫn bảo tồn được nhiều di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật với bia đá, chuông đồng, cửa võng, nhang án, câu đối, đại tự và nhất là gần 40 pho tượng tròn, trong đó khá nhiều pho tượng mang phong cách tạo tác thời Lê. Tiêu biểu là nhóm tượng được tạc trên cây hương đá cao 3m với trang trí cánh sen, hoa cúc dây, lá đề vòng quanh thân cột được đặt ngay trước cổng chùa mang đậm dấu ấn nghệ thuật thế kỷ 18. Cột cây hương thực chất là “Thiên Thạch Trụ” mang ý nghĩa một trục vũ trụ nối trời đất, một cây hương đá đạt chuẩn mực về nghệ thuật, có thể sánh ngang với cột đá “Tứ Kỳ” Hải Dương (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Bên cạnh đó, tượng Thiền Sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh ngồi thiền định cùng hai pho tượng phụ mẫu của Thiền sư Đạo Hạnh là những pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 - 18 là một điển hình của những bức phù điêu tạc chân dung trong quá khứ.

Chùa Lý Triều Quốc Sư vừa mang dấu ấn của đền thờ nhân thần, vừa là chùa thờ Phật nên đã trở thành nơi linh thiêng của các tín đồ Phật giáo. Với các nguồn tư liệu và những hiện vật phong phú, quý giá, chùa Lý Triều Quốc Sư đã góp phần làm rạng rỡ lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chùa Lý Triều Quốc Sư được được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 16/01/1995.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 28,053,728